Nhà xã hội sống cùng… chung cư cao cấp
Tại chương trình lắng nghe và trao đổi về cung cầu nhà ở xã hội, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM cho rằng, Sở sẽ đề xuất Thành phố kiến nghị Chính phủ, ở tất cả các dự án phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, chứ không riêng các dự án trên 10 héc-ta như hiện nay.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về kiến nghị này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ sẽ đưa kiến nghị này vào Dự thảo Nghị định, còn việc có được chấp nhận hay không, khi nào triển khai thì quyết định là ở Chính phủ.
Trước đó, việc dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội trong tất cả các dự án cũng đã được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề cập.
“Muốn có nhà ở xã hội trước hết phải có đất sạch, nếu tất cả các dự án đều dành quỹ đất này thì quá tốt. Tuy nhiên, xét trên điều kiện cụ thể hiện nay, để quy định này được thực thi là rất khó. Vì thế, trong Luật chỉ bắt buộc đối với các dự án trên 10 héc-ta. Dưới Luật còn có Nghị định để điều chỉnh và cụ thể nhiều vấn đề phù hợp với thực tế”, ông Nam nói và phân tích thêm, nếu tất cả các dự án đều có diện tích dành cho nhà ở xã hội thì trong nội đô, hay ngoại thành đều có nhà ở xã hội. Còn vấn đề đắt rẻ, hay mức phí sinh hoạt cao thì bản thân người đăng ký mua nhà đã lựa chọn. Nếu mức giá cao thì Nhà nước có thể cho thuê chứ không bán. Được vậy thì chỗ nào cũng có nhà, tiện lợi và phù hợp với nhu cầu của người dân.
Chủ đầu tư dự án bất động sản cao cấp lo lắng, bố trí nhà ở xã hội trong dự án sẽ phá vỡ cảnh quan và “hạ cấp” dự án
Tuy nhiên, kiến nghị dành 20% quỹ đất cho tất cả các dự án khiến nhiều chủ đầu tư bất động sản cao cấp lo ngại, đặc biệt là với dự án resort cao cấp hay biệt thự.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, việc dành ra 20% quỹ đất là cần thiết, nhưng nên xem xét đối với từng dự án, có thể quy đổi thành một khu đất khác, hoặc quy đổi ra tiền và chủ đầu tư phải nộp số tiền đó. Số tiền đó được dùng để thực hiện nhà ở xã hội ở địa điểm khác. Chẳng hạn, tại các dự án có giá bán cao, được bố trí đầy đủ tiện nghi với trung tâm thương mại lớn, nhà hàng khách sạn sang trọng, kéo theo đó là phí dịch vụ cao, nếu bố trí nhà ở xã hội thì e rằng người được mua cũng không dám ở.
Đồng quan điểm trên, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, quy định nhà ở xã hội phải có trong tất cả chung cư sẽ phá vỡ cảnh quan, mỹ quan của các dự án dạng biệt thự cao cấp. Vì thế, Nhà nước cũng nên quy định rõ có chấp thuận việc hoán đổi diện tích đất sang một khu đất khác hay không, hoặc chủ đầu tư phải nộp tiền tương ứng hay không.
Về vấn đề này, ông Nam thẳng thắn: “Không ở ngay trong tòa nhà, nhưng không có nghĩa trong cả mấy chục héc-ta, thậm chí cả trăm héc-ta mà không thể bố trí. Có thể bố trí ở ngay bên cạnh, nhà ở xã hội được hưởng hạ tầng xung quanh càng tốt cho người dân. Không có chuyện nhà ở xã hội lại cứ phải ngoại ô, ra đồng, ra ruộng”.
Trong khi chủ đầu tư các dự án cao cấp lo ngại, thì các chủ đầu tư các dự án thương mại giá thấp lại ủng hộ kiến nghị này.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, nếu Nhà nước quy đổi ra số lượng căn hộ thì quá tốt. Doanh nghiệp không phải nộp trước một số tiền lớn, mà chỉ bàn giao căn hộ khi xây xong, Nhà nước chắc chắn thu được tiền chính là căn hộ, người dân có nhà để ở ngay mà không phải chờ đợi thời gian xây dựng như các dự án khác. Dự án ở quận nào thì đối tượng mua ở quận đó hoặc các quận lân cận.
Không chỉ riêng ông Nghĩa, đây cũng là đề xuất của nhiều doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp. Trên thực tế, một số dự án tại TP. HCM đã áp dụng phương án này như Dự án 19/19 Lạc Long Quân hay Dự án Carillon Hoàng Hoa Thám.
Nếu như vấn đề dành quỹ đất cho nhà ở xã hội ở tất cả các dự án tại Việt Nam đang còn là đề xuất và tranh cãi, thì tại Mỹ, Chính phủ nước này quy định, phải để ít nhất từ 5 - 10% lượng căn hộ cho nhà ở xã hội. Đối tượng ưu tiên là những người mua nhà lần đầu có lương bằng 60% mức lương trung bình của cả nước.
theo DTCK